KHÁM PHÁ

DI VẬT KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG

Kiến trúc truyền thống của người Việt mang một nét đẹp quyến rũ rất riêng, hài hòa trong thiên nhiên với dáng vẻ trầm mặc, toát lên nét khiêm nhường, gần gũi mà không kèm phần tinh tế. Chủ nhân của những kiến trúc này chủ yếu là người nông dân, nên không gian của chúng là không gian nông thôn. Và hầu hết các kiến trúc thường gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng.

Kiến trúc cổ truyền hàng ngàn năm thực sự gắn kết chặt chẽ với bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt, ít tương đồng với các nước Đông Nam Á khác. Ở đây, chỉ xin điểm tới một số những tâm điểm hội tụ văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, như một hình dung cơ bản giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của các hạng mục xây dựng tại Việt Phủ. Và một điều hết sức quan trọng, bao trùm lên tất cả toàn bộ công trình của Việt Phủ, vì thế không thể không nhắc lại, là tư tưởng giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong tinh thần sáng tạo mang dấu ấn nghệ thuật hết sức cá nhân của Chủ nhân.

Tôi là người phát triển truyền thống, chứ không phải là nô lệ của truyền thống
ĐỀN ĐỨC THÁNH TRẦN

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, thời Trần, là danh tướng trong lịch sử Việt Nam, và cả thế giới. Ngài có công lớn trong 3 lần kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên Mông. Sau khi qua đời, Ngài được nhân dân nhiều đời truyền tụng, sùng kính và phong làm Thánh, với tên gọi Đức Thánh Trần Triều.

Tín ngưỡng thời ngài đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt. Vì thế Đền thờ Đức Thánh Trần được lập nên ở khắp mọi nơi. Đền Trần nguyên gốc chính ở Đền Kiếp Bạc, thuộc huyện Chí Linh, thành phố Hải Dương.

Tại Việt Phủ Thành Chương, đền thờ Đức Thánh Trần được lập nên vào năm 2013. Chủ nhân đã làm lễ rước bài vị, chân nhang từ Đền Kiếp Bạc về để thờ theo phong tục. Tượng Đức Thánh trong đền là một pho tượng cổ, niên đại khoảng 200 năm.